Sisältöjulkaisija

null Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Nghề làm bột gạo Sa Đéc

Chi tiết bài viết Tin tức - sự kiện

Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Nghề làm bột gạo Sa Đéc

Tối 26/4/2024, tại Quảng trường thành phố Sa Đéc, Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian “Nghề làm bột gạo Sa Đéc” xã Tân Phú Đông, Phường 2 và Khai mạc Lễ hội Hòa Bình thành phố Sa Đéc lần thứ III năm 2024.

Đến dự có Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa; nguyên lãnh đạo Trung ương, tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan và đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn thành phố.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa trao Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Nghề làm bột gạo Sa Đéc”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Thị Hoài Thu tặng hoa chúc mừng cho lãnh đạo thành phố Sa Đéc

Thành phố Sa Đéc hiện có trên 186 hộ, cơ sở, doanh nghiệp và hơn 2.000 lao động tham gia vào hoạt động sản xuất bột và sản phẩm sau bột, trong đó có 04 làng nghề sản xuất bột được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống năm 2005, chủ yếu tập trung tại xã Tân Phú Đông và Phường 2 (tại các ấp Phú Long, Phú Thuận, Phú Hòa xã Tân Phú Đông và khóm 2 phường 2 TP. Sa Đéc). Nghề làm bột gạo tại Sa Đéc có trên 100 năm tuổi. Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng với nhiều yếu tố tự nhiên thuận lợi, hơn một thế kỉ qua, con người nơi đây đã tạo nên sản phẩm bột gạo mang những giá trị riêng, khó có nơi nào sánh kịp, góp phần lưu giữ và phát huy một làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất vùng. Bình quân sản xuất khoảng 95 tấn bột tươi/ngày (tương đương 50 tấn bột khô); sản phẩm sản xuất sau bột rất đa dạng như: Hủ tiếu, bánh canh, nui, phở, bún, bánh tằm, ống hút gạo v.v..Thị trường tiêu thụ đa số trong nước và xuất khẩu ngoài nước thông qua các đơn vị như: Công ty Cổ phần thực phẩm Bích Chi, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Hòa Hưng, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty Cổ phần Tinh bột xanh v.v. góp phần cho thành phố Sa Đéc thu về trên 400 tỷ đồng/năm.

UBND TP Sa Đéc xây dựng Đề án phát triển Làng nghề Bột Sa Đéc trên địa bàn thành phố Sa Đéc giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm. Thành phố Sa Đéc đã đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký đối với nhãn hiệu chứng nhận tập thể “Hủ tiếu Sa Đéc” tại Quyết định số 23609/QĐ-SHTT ngày 01/04/2019. Đồng thời, đã đăng ký và tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để Cục Sở hữu trí tuệ xem xét quyết định cấp giấy chứng nhận về nhãn hiệu tập thể “Làng Bột Sa Đéc” nhằm góp phần quan trọng quảng bá và đưa thương hiệu sản phẩm bột Sa Đéc và các sản phẩm sau bột ngày càng vươn xa đến các thị trường trong và ngoài nước. Hàng năm đều tổ chức Lễ tri ân tiền nhân và tôn vinh nghề làm bột Sa Đéc vào ngày 22/01/2022 (nhằm ngày 20/12 âm lịch); nhiều hoạt động giới thiệu làng nghề, sản phẩm làng nghề gắn với phát triển du lịch địa phương. Hiện tại, địa phương đã hình thành và duy trì hoạt động tương đối hiệu quả 01 điểm du lịch cộng đồng tại làng nghề truyền thống sản xuất bột. Tại đây, trưng bày giới thiệu quy trình sản xuất bột Sa Đéc qua các thời kỳ, sản phẩm sau bột và ẩm thực các món ăn chế biến từ bột gạo. Ngoài ra, địa phương đã thành lập và ra mắt 01 Hội quán làng bột, tổng số 52 hội viên, điểm sinh hoạt Hội đặt tại xã Tân Phú Đông. Tính đến nay, tại TP. Sa Đéc đã có 42 sản phẩm OCOP được công nhận 3 - 4 sao; trong đó 25 sản phẩm OCOP từ bột.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại buổi Lễ

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, nghề làm bột gạo xã Tân Phú Đông và Phường 2, TP Sa Đéc được công nhận Di sản văn hóa hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ mang đến niềm vui, niềm tự hào cho bà con làm bột Sa Đéc mà còn có ý nghĩa lan tỏa và nâng cao giá trị của Làng nghề bột gạo truyền thống, góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch và nâng cao hình ảnh địa phương.

Ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị các ngành, các cấp, địa phương tiếp tục đẩy mạnh quảng bá và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, văn hóa bản địa, góp phần giữ gìn và phát triển di sản văn hóa dân tộc để các giá trị này thấm sâu trong đời sống của mọi người, mọi nhà.

Đảng bộ và chính quyền thành phố Sa Đéc cần sớm có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm Làng nghề; tổ chức, kêu gọi đầu tư, hợp tác để sản xuất, kinh doanh bột ngày một vươn xa ở thị trường trong nước và quốc tế; gắn kết giữa Làng Hoa với Làng Bột, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ và du lịch để nhà vườn hoa kiểng và người làm bột không ngừng phát huy lợi thế, nâng tầm tư duy kinh tế nông nghiệp v.v…

Tại buổi Lễ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tặng Bằng khen cho nhiều tập thể, hộ gia đình, cá nhân đã có thành tích đóng góp cho công tác giữ gìn, bảo tồn và phát triển “Nghề làm bột gạo Sa Đéc”.

Dịp này, UBND TP Sa Đéc khai mạc Lễ hội Hòa Bình lần thứ III năm 2024, với chương trình sân khấu hóa chủ đề “Tự hào Sa Đéc quê tôi”. Lễ hội Hòa Bình diễn ra từ ngày 26/4 - 1/5 với nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn như: “Hội thi chế biến 49 món ăn và bánh dân gian” từ các loại bột Sa Đéc; “Hội thi văn nghệ quần chúng”; Liên hoan các nhóm nhảy thanh niên; Gameshow Rung chuông vàng tìm hiểu lịch sử hình thành “Nghề làm bột gạo Sa Đéc”; Triển lãm ảnh “Nghề làm bột gạo Sa Đéc xưa và nay”; Giải bóng chuyền hơi nữ công nhân viên chức – người lao động thành phố, tranh Cúp Hòa Bình lần thứ III; Giải bóng đá mini nam công nhân, viên chức - người lao động thành phố…

CTV-Nguyễn Hưng